Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động in ấn.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về quản lý hoạt động in ấn; hoạt động photocopy nhằm mục đích kinh doanh; hoạt động xuất, nhập khẩu thiết bị in ấn, photocopy.
2. Hoạt động in ấn xuất bản phẩm thì áp dụng theo quy định tại Luật xuất bản năm 2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan
3. Bộ phận photocopy của cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng để nhân bản công văn, giấy tờ và tài liệu nội bộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích kinh doanh thì không chịu sự điều chỉnh của Nghị định này.
4. Hoạt động in ấn của thiết bị in là bộ phận không thể tách rời trong dây truyền sản xuất sản phẩm khép kín của những ngành nghề khác và thiết bị in dùng để in ấn trực tiếp lên sản phẩm hàng hóa thì không chịu sự điều chỉnh của Nghị định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động in ấn, hoạt động photocopy tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động in ấn là việc sử dụng công nghệ, thiết bị in để tạo ra sản phẩm in ấn từ bản mẫu (bao gồm photocopy)
2. Sản phẩm in ấn là sản phẩm được sản xuất bằng các công nghệ, thiết bị in trên các loại vật liệu khác nhau.
3. Cơ sở in là tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt động in ấn theo quy định của Nghị định này;
4. Cơ sở photocopy là tổ chức, cá nhân có giấy xác nhận đăng ký hoạt động photocopy theo quy định của Nghị định này;
5. Người đứng đầu cơ sở in là người đại diện theo pháp luật được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định bổ nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động in ấn, photocopy
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành in;
2. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách lĩnh vực in, photocopy trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
3. Cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận trong hoạt động in ấn, photocopy;
4. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật trong hoạt động in ấn, photocopy
5. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động in ấn, photocopy
6. Hợp tác quốc tế trong hoạt động in ấn, photocopy
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in, photocpy;
8. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động in, photocpy.
Điều 5. Chính sách của nhà nước đối với hoạt động in ấn
Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở in hoặc khu công nghiệp tập trung; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động in; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động in.
Chính sách của Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển hoạt động in, bao gồm:
1. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ – kỹ thuật tiên tiến cho cơ sở in phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại;
2. Hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước cho đội ngũ kỹ sư công nghệ in, cán bộ quản lý cơ sở in, công nhân kỹ thuật ngành in là người Việt Nam.
3. Ưu đãi về tiền thuê đất để làm nhà xưởng và lãi suất vay vốn cho cơ sở in phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại.
Điều 6. Hoạt động in có yếu tố nước ngoài
Tổ chức, cá nhân Việt Nam khi hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài để hoạt động in hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động in tại Việt Nam phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên, quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 7. Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động in, photocopy
Việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động in, photocopy được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 8. Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động in, hoạt động photocopy.
1. Nghiêm cấm việc in, copy, nhân bản các sản phẩm có nội dung sau đây:
a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
d) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
a) Hoạt động in, photocopy theo quy định phải có giấy phép, giấy xác nhận mà không có giấy phép hoạt động in hoặc giấy xác nhận đăng ký hoạt động photocopy.
b) Hoạt động in, photocopy các sản phẩm mà không có đủ các điều kiện nhận in, photocpy quy định tại Điều 13, Điều 18 Nghị định này; in vượt quá số lượng sản phẩm ghi trong hợp đồng in.
c) Hoạt động in, hoạt động photocopy trái phép tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.
d) Hoạt động in, hoạt động photocopy các sản phẩm mà pháp luật Việt Nam cấm lưu hành.
đ) Thêm, bớt, sửa chữa trái phép bản mẫu đặt in; chuyển nhượng, sửa chữa, tẩy xoá trái phép các loại giấy phép, giấy xác nhận trong hoạt động in, photocopy.
e) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc có dấu của cơ quan cấp giấy phép;
f) In lậu, in giả, in nối bản trái phép sản phẩm in;
g) Hoạt động in, photocopy các sản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy;
h) Xuất, nhập khẩu thiết bị in trái phép. Sử dụng thiết bị in không đăng ký theo quy định của pháp luật.
i) Lợi dụng thiết bị in, photocopy không nhằm mục đích kinh doanh để tạo ra, phát tán sản phẩm in có nội dung vi phạm khoản 1 Điều này, để in lậu, giả, in nối bản trái phép hoặc kinh doanh trái phép, thu lợi bất chính;
Điều 9. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Định kỳ ba tháng, một năm cơ sở in, photocopy phải báo cáo hoạt động (theo mẫu) với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in đã cấp giấy phép hoạt động hoặc xác nhận đăng ký hoạt động.
2. Trong trường hợp đột xuất, khi có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in yêu cầu báo cáo hoặc giải trình cụ thể thì cơ sở in, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện việc báo cáo hoặc giải trình bằng văn bản.
3. Định kỳ ba tháng, một năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo công tác quản lý nhà nước về hoạt động in, photocopy tại địa phương với Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động in.
5. Việc báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin phải kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng nội dung yêu cầu.
Ngoài việc báo cáo theo quy định tại Nghị định này, cơ sở in khi tham gia in sản phẩm do các Bộ, ngành khác quản lý phải báo cáo theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành quản lý sản phẩm đó ban hành.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết thủ tục, cách thức gửi báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin và biểu mẫu báo cáo trong hoạt động in.
Điều 10. Xử lý vi phạm trong hoạt động in, photocopy
1. Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động in, photocopy thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in, photocopy phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương II
HOẠT ĐỘNG IN ẤN, PHOTOCOPY
Mục 1
HOẠT ĐỘNG IN ẤN
Điều 11. Điều kiện hoạt động của cơ sở in ấn
Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật,
Có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh – trật tự,
Có giấy phép hoạt động in quy định tại Nghị định này.
Điều 12. Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in ấn
1. Điều kiện để cấp giấy phép hoạt động in ấn, bao gồm:
a) Người đứng đầu cơ sở in phải có nghiệp vụ quản lý hoạt động in và đáp ứng các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ sở in tham gia in báo chí, tiền, hóa đơn tài chính, tem chống giả thì người đứng đầu cơ sở in phải là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam.
b) Có mặt bằng sản xuất đảm bảo phù hợp với thiết bị để hoạt động in,
c) Có thiết bị để thực hiện một hoặc các khâu chế bản, in và gia công sau in theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
d) Đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường
đ) Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở in.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in, bao gồm:
a) Đơn đề nghị kèm theo đề án hoạt động in của cơ sở in theo mẫu quy định;
b) Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ sở in đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Tài liệu chứng minh về việc có mặt bằng sản xuất và hồ sơ thiết bị để thực hiện một trong các khâu chế bản in, in và gia công sau in;
d) Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in ấn theo mẫu quy định;
đ) Bản sao có chứng thực văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành in cấp hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
e) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh – trật tự do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
g) Bản cam kết về bảo đảm thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường (theo mẫu)
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in quy định tại Điều 20 phải cấp giấy phép hoạt động in; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
4. Giấy phép hoạt động in được cấp lại trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ sở in có một trong các thay đổi về tên gọi, địa chỉ, thành lập chi nhánh, chia tách hoặc sáp nhập thì cơ sở in ấn phải làm thủ tục đổi giấy phép hoạt động in ấn.
6. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có thay đổi về người đứng đầu thì cơ sở in ấn phải thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp giấy phép hoạt động in và gửi kèm hồ sơ quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này.
7. Giấy phép hoạt động in bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ sở in không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này trong quá trình hoạt động;
b) Cơ sở in có thay đổi quy định tại khoản 6 Điều này mà không thông báo và gửi kèm hồ sơ theo quy định.
8. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ sở in đã được cấp giấy phép hoạt động in phải làm thủ tục đề nghị cấp đổi lại theo quy định của Nghị định này. Trường hợp không được cấp đổi lại, cơ sở in phải ngừng hoạt động.
9. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.
Điều 13. Điều kiện nhận in
Cơ sở in chỉ được nhận in khi bên đặt in cung cấp đủ hồ sơ về sản phẩm đặt in theo quy định sau đây:
1. Đối với sản phẩm in là báo chí phải có giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp (xuất trình bản sao có chứng thực và được lưu tại cơ sở in).
2. Đối với sản phẩm in là chứng minh thư, hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân và các giấy tờ quản lý nhà nước khác phải có văn bản chấp thuận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành loại giấy tờ đó (xuất trình bản gốc và được lưu tại cơ sở in).
3. Đối với sản phẩm in là tiền phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền, về ngân hàng và các quy định tại Nghị định này.
4. Đối với sản phẩm in là hóa đơn tài chính, các loại giấy tờ có mệnh giá ghi trước hoặc mệnh giá ghi sau của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì phải có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định phát hành của tổ chức, cá nhân đứng tên trên hóa đơn, giấy tờ có giá (xuất trình bản sao có chứng thực, được lưu tại cơ sở in).
Riêng đối với hóa đơn tự in để sử dụng tại doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc in hóa đơn của mình.
5. Đối với sản phẩm in là tem chống giả do cơ quan quản lý nhà nước ban hành thì phải có quyết định ban hành tem chống giả đó kèm theo bản mẫu có chữ ký và đóng dấu xác nhận của cơ quan ban hành (xuất trình quyết định bản gốc và được lưu tại cơ sở in).
6. Đối với sản phẩm in là tem chống giả của tổ chức, cá nhân phát hành nhằm bảo vệ sản phẩm hàng hóa của tổ chức, cá nhân sản xuất ra thì phải có văn bản chấp thuận, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm theo bản mẫu được ký tên, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân ban hành (bản chính văn bản chấp thuận và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng thực kèm bản mẫu được lưu tại cơ sở in).
7. Đối với sản phẩm in bao bì, in nhãn hàng hoá phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đúng ngành hàng, giấy giới thiệu của cơ sở sản xuất đứng tên trên bao bì, nhãn hàng hoá. Bản mẫu đưa in phải có chữ ký của người đứng đầu và dấu của cơ sở sản xuất đứng tên đặt in (bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng thực và bản mẫu đưa in được lưu tại cơ sở in).
Riêng đối với bao bì, nhãn hàng hoá là hoá dược, thuốc chữa bệnh còn phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số đăng ký do Bộ Y tế (Cục Quản lý dược Việt Nam) hoặc Sở Y tế cấp theo thẩm quyền.
8. Đối với sản phẩm in vàng mã phải có giấy xác nhận đăng ký vàng mã của Sở Thông tin và Truyền thông sở tại.
9. Đối với các sản phẩm in khác là giấy tờ quản lý nhà nước của cơ quan, tổ chức phải có giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc rõ ràng.
10. Đối với sản phẩm in là tài liệu, giấy tờ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành có quy định riêng thì phải thực hiện theo quy định đó và quy định tại Nghị định này.
11. Đối với sản phẩm in phục vụ đời sống cá nhân, không nhằm mục đích kinh doanh thì phải có phiếu đặt in theo mẫu quy định được ghi đầy đủ thông tin của cá nhân đặt in.
12. In nối bản sản phẩm phải được sự đồng ý của cơ quan cấp giấy phép đối với sản phẩm in phải cấp phép; các sản phẩm in không phải cấp giấy phép thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu sản phẩm đó và phải có hợp đồng.
Điều 14. Quy định về việc hợp tác chế bản, in, gia công sau in
1. Việc hợp tác để chế bản, in, gia công sau in phải thực hiện theo quy định sau đây:
a) Tuân thủ quy định tại các điều 11, 12, 13, 14, 15 của Nghị định này;
b) Sau khi ký hợp đồng in và được cơ quan, tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in chấp thuận bằng văn bản, cơ sở in mới được hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện không quá hai công đoạn của hoạt động in đối với từng tên sản phẩm phẩm;
Việc hợp tác với cơ sở in khác để chế bản, in, gia công sau in phải được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu đối với cơ sở in nhận hợp tác để in cho cơ sở in đứng tên trên hợp đồng ký với khách hàng đặt in.
a) Có giấy phép hoạt động in theo quy định của Nghị định này;
b) Chỉ được nhận thực hiện không quá hai công đoạn của hoạt động in đối với từng tên sản phẩm cho cơ sở in đứng tên ký hợp đồng với khách hàng hoặc có tên trong giấy phép.
c) Yêu cầu cơ sở in đứng tên ký hợp đồng với khách hàng hoặc có tên trong giấy phép cung cấp tài liệu chứng minh sản phẩm in là hợp pháp; bản thảo (bản mẫu) nhận in và phải lưu trữ các tài liệu này;
d) Không ký hợp đồng hợp tác với cơ sở in nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 12 của Nghị định này.
3. Cơ sở in được hợp tác phải tuân thủ các quy định về hoạt động in quy định tại Nghị định này.
Điều 15. In gia công cho nước ngoài
1. Cơ sở in có giấy phép hoạt động in được in gia công ấn phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Việc in gia công ấn phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép.
2. Nội dung ấn phẩm in gia công cho nước ngoài không được vi phạm các quy định tại Điều 8 Nghị định này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép in gia công ấn phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo mẫu quy định;
b) Hai bản mẫu ấn phẩm đặt in;
c) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động in, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in;
d) Bản sao có chứng thực hợp đồng in gia công ấn phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; trường hợp hợp đồng bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt;
đ) Bản sao hộ chiếu còn thời hạn sử dụng của người đặt in hoặc giấy ủy quyền, giấy chứng minh nhân dân của người được ủy quyền đặt in.
4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải cấp giấy phép, đóng dấu vào hai bản mẫu và gửi trả lại cơ sở in một bản; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
5. Giám đốc cơ sở in chịu trách nhiệm trước pháp luật về ấn phẩm in gia công. Tổ chức, cá nhân đặt in gia công chịu trách nhiệm về bản quyền đối với ấn phẩm đặt in gia công.
6. Ấn phẩm in gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải xuất khẩu 100%; trường hợp phát hành, sử dụng tại Việt Nam thì phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Mục 2
HOẠT ĐỘNG PHOTOCOPY
Điều 16. Điều kiện hoạt động của cơ sở photocopy
1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật,
2. Có giấy xác nhận đăng ký hoạt động của cơ sở photocopy theo quy định tại Nghị định này.
Điều 17. Đăng ký hoạt động photocopy
1. Điều kiện để đăng ký hoạt động photocopy, bao gồm:
a) Bảo đảm các điều kiện về kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm có địa điểm kinh doanh hợp pháp;
c) Có thiết bị để thực hiện photocopy.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động photocopy, bao gồm:
a) Đơn đề nghị đăng ký hoạt động photocopy theo mẫu quy định;
b) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Tài liệu chứng minh về việc có địa điểm kinh doanh hợp pháp và thiết bị photocopy;
3. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động photocopy quy định tại khoản 3 Điều 20 phải xác nhận đăng ký hoạt động photocopy, trường hợp không xác nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ sở photocopy có một trong các thay đổi về người đứng đầu, tên gọi, địa chỉ, thành lập chi nhánh, chia tách hoặc sáp nhập thì cơ sở photocopy phải làm thủ tục đăng ký lại.
5. Giấy xác nhận hoạt động photocopy bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ sở photocopy không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này trong quá trình hoạt động;
b) Cơ sở photocopy có các thay đổi quy định tại khoản 4 Điều này mà không làm thủ tục đăng ký lại.
6. Cơ sở photocopy muốn hoạt động như cơ sở in thì phải làm thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động như cơ sở in quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định này.
7. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết thủ tục xác nhận, thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động photocopy.
Điều 18. Điều kiện nhận photocopy
1. Cơ sở photocopy chỉ được copy, nhân bản sản phẩm in đã được phép lưu hành hợp pháp.
2. Đối với xuất bản phẩm có nhiều trang chỉ được copy 5% số trang của xuất bản phẩm và nhân bản không quá 2 bản;
3. Đối với xuất bản phẩm là tờ rời, tờ gấp chỉ được copy 10% diện tích nội dung xuất bản phẩm và nhân bản không quá 2 bản.
4. Đối với xuất bản phẩm, sản phẩm không phải xuất bản phẩm nhận copy nguyên mẫu để nhân bản với số lượng lớn phải thực hiện như quy định về in xuất bản phẩm tại Luật xuất bản và in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm quy định tại Nghị định này.
e) Đối với tài liệu về chính trị, an ninh, quốc phòng phải có giấy giới thiệu và văn bản chấp thuận của cơ quan tổ chức có tài liệu.
f) Đối với tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức có tài liệu.
g) Đối với tài liệu của tổ chức, cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh, học tập, thiết kế, nghiên cứu khoa học phải có phiếu nhận đặt hàng (theo mẫu quy định) được ghi đầy đủ thông tin của sản phẩm và người đặt hàng.
h) Đối với các loại giấy tờ của tổ chức, cá nhân copy, nhân bản để làm thủ tục hành chính thì không phải thực hiện các quy định tại điều này.
Điều 19. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở in, cơ sở photocopy
1. Thực hiện quy định tại các điều 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 của Nghị định này; lưu giữ và quản lý hồ sơ nhận in theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Thực hiện quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đối với các sản phẩm in do Bộ, ngành quản lý sản phẩm đó ban hành.
3. Thực hiện ký hợp đồng kinh tế theo quy định của pháp luật khi nhận các mẫu sản phẩm để in.
4. Ghi đầy đủ các thông tin của ấn phẩm vào Sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in theo mẫu quy định
5. Báo cáo về hoạt động in, hoạt động photocopy của cơ sở in, cơ sở photocopy theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
6. Tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức.
7. Khi phát hiện ấn phẩm in có nội dung vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 7 của của Nghị định này thì cơ sở in phải dừng việc in và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt in.
8. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động in của cơ sở in, hoạt động photocopy của cơ sở photocopy.
Điều 20. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động in, xác nhận đăng ký hoạt động photocopy.
1. Cục Xuất bản chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động in cho cơ sở in sau:
a) Cơ sở in của cơ quan, tổ chức ở trung ương,
b) Cơ sở in có vốn đầu tư nước ngoài,
2. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động in cho cơ sở in của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương,
3. Ủy ban nhân dân quận (huyện) xác nhận đăng ký hoạt động photocopy trên địa bàn quản lý.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết nội dung cấp phép được ghi trong giấy phép hoạt động in, giấy xác nhận đăng ký photocopy.
Chương III
XUẤT, NHẬP KHẨU
VÀ SỬ DỤNG THIẾT BỊ IN, PHOTOCOPY
Điều 21. Quy định về thiết bị in, photocopy xuất, nhập khẩu
1. Thiết bị in, photocopy sau đây khi xuất, nhập khẩu phải có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất, nhập khẩu gửi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông)
a) Máy in offset, máy in ống đồng (in lõm), máy in flexo, máy in kỹ thuật số một hoặc nhiều chức năng (scan, copy, in, fax).
b) Máy in chuyên dụng dùng để in hộ chiếu, chứng minh thư và các giấy tờ quản lý nhà nước khác,
c) Máy chế bản film (ghi phim), máy chế bản kẽm (ghi kẽm),
d) Máy photocopy màu.
Ngoài những thiết bị in quy định tại điều này khi xuất, nhập khẩu không phải đề nghị cấp phép.
2. Nhập khẩu thiết bị in, photocopy đã qua sử dụng
Thiết bị in quy định tại khoản 1 Điều này đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam được quy định như sau:
a) Không quá 15 năm đối với máy in offset, máy in ống đồng, máy in flexo.
b) Không quá 10 năm đối với máy in kỹ thuật số một hoặc nhiều chức năng, máy chế bản film (ghi phim), máy chế bản kẽm (ghi kẽm),
c) Không quá 5 năm đối với máy in chuyên dụng dùng để in hộ chiếu, chứng minh thư và các giấy tờ quản lý nhà nước khác,
d) Không quá 3 năm đối với máy photocopy màu.
Thời gian được tính từ ngày sản xuất máy đến ngày làm thủ tục cấp phép nhập khẩu.
Điều 22. Cấp giấy phép xuất, nhập khẩu thiết bị in, photocopy
1. Điều kiện để cấp phép xuất, nhập khẩu thiết bị in, photocopy
a) Tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu thiết bị in, photocopy để kinh doanh phải có giấy phép hoạt động xuất, nhập khẩu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
b) Tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu thiết bị in, photocopy để sản xuất phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng in, photocopy hoặc quyết định thành lập của cơ quan, tổ chức nếu là đơn vị sự nghiệp.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép xuất, nhập khẩu thiết bị in, photocopy
a) Đơn đề nghị xuất, nhập khẩu thiết bị in, photocopy theo mẫu quy định.
b) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động xuất, nhập khẩu đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để kinh doanh hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập của cơ quan, tổ chức đề nghị nhập khẩu để sản xuất;
c) Hồ sơ chi tiết của thiết bị xuất, nhập khẩu;
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Xuất bản phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 23. Đăng ký thiết bị in, photocopy
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị in, photocopy quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định này phải đăng ký máy với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại trước khi sử dụng.
2. Khi thay đổi chủ sở hữu thiết bị đã đăng ký, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thiết bị chuyển đổi phải gửi văn bản đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đăng ký thiết bị đó để xác nhận việc chuyển đổi. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận thiết bị căn cứ văn bản xác nhận của Sở Thông tin và Truyền thông để đăng ký lại thiết bị theo quy định.
3. Khi thanh lý thiết bị đã đăng ký, cơ quan, tổ chức phải có văn bản báo cáo với Sở Thông tin và Truyền thông nơi đã đăng ký thiết bị đó để xóa tên trên danh mục đăng ký.
Điều 24. Sử dụng thiết bị in, photocopy
1. Cơ sở in có giấy phép hoạt động in mới được sử dụng thiết bị in, photocopy để sản xuất.
2. Cơ sở photocopy có giấy xác nhận đăng ký hoạt động photocopy mới được sử dụng photocopy để kinh doanh (trừ máy photocopy màu).
3. Máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức và không được kinh doanh dưới mọi hình thức.
4. Cơ quan nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) có chức năng, nhiệm vụ được cơ quan chủ quản giao phù hợp với lĩnh vực quản lý mới được sử dụng máy in chuyên dụng in hộ chiếu, chứng minh thư và các giấy tờ quản lý nhà nước khác,
5. Thiết bị in, photocopy chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đăng ký với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại.
Điều 25. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu và sử dụng thiết bị in, photocopy
1. Thực hiện quy định tại các điều 21, 22, 23, 24; lưu giữ và quản lý hồ sơ thiết bị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Báo cáo về xuất, nhập khẩu thiết bị in, photocopy để kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước vào ngày cuối cùng của năm kế hoạch và báo cáo đột xuất khi được yêu cầu. Nội dung báo cáo theo mẫu quy định.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động xuất, nhập khẩu và sử dụng thiết bị in, photocopy theo quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương IV
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM
CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG IN, PHOTOCOPY
Điều 26. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in, photocopy
1. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động in, photocopy trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy định hoặc quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động in; ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động in, photocopy;
b) Phối hợp với các bộ liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy định hoặc quy định theo thẩm quyền chính sách phát triển hoạt động in phù hợp với từng giai đoạn phát triển; quy định và hướng dẫn thực hiện các biện pháp chống in giả, in lậu, in nối bản trái phép;
c) Cấp, cấp đổi, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận quy định tại Nghị định này;
d) Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động in, photocopy; đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về hoạt động in;
d) Quản lý và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động in, photocopy;
e) Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở in, photocopy;
g) Hướng dẫn chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và ban hành thống nhất các biểu mẫu trong hoạt động in, photocopy;
h) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in, photocopy theo thẩm quyền;
i) Chủ trì, phối hợp đề xuất thành lập cơ quan liên ngành về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động in và xuất, nhập khẩu thiết bị ngành in.
j) Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động in.
2. Cục Xuất bản là cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động in; giấy phép in gia công cho nước ngoài; giấy phép xuất, nhập khẩu thiết bị ngành in; giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ trong hoạt động in;
c) Tạm đình chỉ hoạt động in hoặc đình chỉ in sản phẩm đang in;
d) Tịch thu, tiêu huỷ sản phẩm in vi phạm
d) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động in, photocopy;
e) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in, photocopy theo thẩm quyền.
Điều 27. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in, hoạt động photocopy
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các quy định về kinh doanh, đầu tư, ưu đãi đầu tư đối với hoạt động in.
2. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an ninh – trật tự trong hoạt động in, hoạt động photocopy.
3. Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện về công tác quản lý thị trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực in và photocopy.
4. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định tại Nghị định này và xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác quản lý hoạt động in tiền, hóa đơn tài chính, giấy tờ có giá.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh môi trường trong hoạt động in, hoạt động photocopy.
6. Các Bộ khác, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch thực hiện công tác quản lý hoạt động in, hoạt động photocopy thuộc phạm vi quản lý của mình.
Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in, photocopy tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Xây dựng quy hoạch, quyết định kế hoạch phát triển lĩnh vực in thuộc địa phương;
b) Hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động in tại địa phương;
c) Cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận quy định tại Nghị định này;
d) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động in theo quy định của pháp luật;
e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in theo thẩm quyền.
2. Sở Thông tin và Truyền thông giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in, photocopy tại địa phương.
3. Ủy ban nhân dân huyện (quận), xã (phường) giúp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in, photocopy tại địa bàn quản lý.
Điều 29. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra
Cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và cơ quan Công an, Quản lý thị trường các cấp tại địa phương chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động in, hoạt động photocopy theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định này. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc để xảy ra in lậu, in nối bản, in giả trên địa bàn quản lý.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ……tháng …. năm …. và thay thế Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2007 quy định về hoạt động in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm.
Điều 31. Hướng dẫn thi hành và trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KGVX (5b)
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng